Tại sao tình đầu lại khó quên?

Tình đầu khó quên. Đó là câu nói cửa miệng và cũng là trải nghiệm của rất nhiều người. Vậy tại sao tình đầu lại khó quên và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được rào cản tâm lí này?

vi-sao-moi-tinh-dau-lai-kho-quen

Trong bài viết này, bằng những trải nghiệm cá nhân, những cuộc trò chuyện cùng bạn bè cũng như kiến thức rút ra từ cuốn sách, người viết sẽ bàn về mối tình đầu khó quên thông qua hiệu ứng tâm lý mang tên “phi lý trí”. Phi lý trí – cuốn sách best seller về tâm lý học, Dan Ariely đã chỉ ra chúng ta phi lý trí hơn mình tưởng. Thậm chí là thường xuyên phi lý trí và phi lý trí một cách có hệ thống.

VÌ SAO TÌNH ĐẦU KHÓ QUÊN?

01. Hiệu ứng mỏ neo.

Trong phi lý trí, tác giả có nhắc đến hiệu ứng mỏ neo. Hiệu ứng mỏ neo là việc con người thường dựa vào những thông tin xuất hiện trước tiên để so sánh và đưa ra quyết định.

Trong chuyện tình cảm cũng vậy, mối tình đầu của chúng ta là những cảm xúc vô cùng tinh khôi, trong trẻo. Bạn có thể yêu đến lần thứ 2, thứ 3 nhưng không có lần nào, bạn yêu khi con tim chưa từng bị tổn thương như tình yêu đầu. Chính vì vậy, những cảm xúc của mối tình đầu là duy nhất nên sẽ khó khó mà quên.

Một cách phi lý trí, bạn hình thành những tiêu chuẩn, khuôn mẫu đối với những cuộc tình tiếp theo. Đó là lí do tại sao tình đầu luôn là mối tình vô cùng đặc biệt với chúng ta và nó cũng giải thích cho việc chúng ta cảm thấy những người yêu của bạn bè hay chính bản thân chúng ta thường “có gì đó na ná nhau”.

02. Để đánh giá một thứ, chúng ta hay so sánh nó với những thứ khác.

Theo Dan Ariely, tâm trí của con người có xu hướng tìm kiếm sự so sánh. Hơn thế nữa, chúng ta thường làm điều này một cách lười biếng nhất có thể bằng cách so sánh với đối tượng dễ dàng nhất ở xung quanh. Ví dụ, để thu hút bạn tình, mọi người thường dẫn theo một người giống mình nhưng ít hấp dẫn hơn một chút, điều này đã cho đối tượng hẹn hò tiềm năng một phương tiện để so sánh dễ dàng.

Chúng ta cũng có khuynh hướng làm như vậy trong việc hẹn hò. Với hiệu ứng mỏ neo như đã nêu trên, việc chúng ta so sánh bạn tình với “cái neo” vốn đã quá vững chắc bởi những trải nghiệm được định hình như những chuẩn mực rồi cảm thấy thất vọng khi thấy những người sau không được như mối tình đầu của mình. Vấn đề không phải là hơn hay kém. Đơn giản, những cảm xúc ta có dù na ná nhưng không thể mãnh liệt được như những cảm xúc ban đầu. Điều này thường khiến những mối quan hệ đó thiếu đi sự sâu sắc.

03. Chúng ta phóng đại giá trị những thứ mình sở hữu.

Thứ nhất, khi bạn sở hữu điều gì đó, bạn trở nên yêu thích chúng. Bạn gắn liền đối tượng với cảm xúc, trải nghiệm của mình với nó và sẽ định giá nó cao hơn. Điều này làm rõ cho hiện tượng khi có rất nhiều người nói những điều không hay về người yêu của bạn tuy nhiên bạn vẫn luôn nhìn ra được rất nhiều những điểm tích cực của người ấy và sẵn sàng bỏ ngoài tai những gì người khác nói. Đó là vì bạn có những trải nghiệm đặc biệt, những kỷ niệm, cảm xúc của riêng hai bạn mà người ngoài không bao giờ hiểu được một cách chính xác. Sau khi chia tay, mối tình đầu là vật sở hữu về mặt tình yêu đầu tiên và cũng là duy nhất của bạn, điều này khiến nó thật sự vô giá vào thời điểm đó.

Lí do thứ hai, mọi người tập trung quá nhiều vào cái họ hy sinh. Tất cả những gì bạn trải nghiệm với mối tình đầu đều là lần đầu tiên. Chính vì vậy, mọi thứ đều có sự bỡ ngỡ, chuệch choạc. Lần đầu bạn biết ghen thực sự. Lần đầu bạn đứng chờ người khác đến cả tiếng đồng hồ. Lần đầu bạn buồn ngủ díp mắt nhưng vẫn phải căng mắt facetime. Thậm chí là lần đầu phải chủ động nhắn tin dù trước đó, có hàng tá gã chờ được bạn “rep inbox”, để rồi nhận được một chữ “ok” cụt lủn từ người yêu mình … Tất cả những điều đó đều là những sự hy sinh bạn đã trải qua, nó khiến cho bạn càng trân trọng mối tình đầu của mình.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẮT ĐẦU MỘT MỐI QUAN HỆ TIẾP THEO?

01. Ngừng so sánh.

Như đã nói ở trên, việc chúng ta vô tình hay cố ý so sánh mối tình đầu của mình với những người sau này là một trong những rào cản để có một mối quan hệ mới lâu dài. Tuy nhiên, nhận biết được thói quen tâm lý này, chúng ta có thể có những chú ý với việc lựa chọn bạn đồng hành. Câu trả lời ở đây là hãy cố gắng hẹn hò với một tuýp tính cách hoàn toàn khác biệt. Khi bạn hẹn hò với những người không có nhiều điểm chung với tình cũ, bạn sẽ không thể có cùng hệ quy chiếu để so sánh giữa hai người. Hiệu ứng mỏ neo cũng sẽ không chi phối bạn quá nhiều (chắc chắn là vẫn có). Bạn cũng sẽ có ít cơ hội để liên tưởng đến mối quan hệ cũ.

Đừng lo sợ bạn sẽ không thể hợp được một tính cách quá mới lạ. Chúng ta không thể khám phá ngay hết con người của nhau và thậm chí là chính bản thân mình khi mới trải qua một cuộc tình. Hãy cho bạn cơ hội để trải nghiệm những sự mới lạ, học hỏi những điều thú vị từ những mối quan hệ.

02. Những trải nghiệm của chúng ta bị định hình bởi những kì vọng.

Sau khi kết thúc cuộc tình đầu tiên, đừng bắt đầu ngay cuộc tình tiếp theo với ý nghĩ tìm một người để “lấp chỗ trống”. Hãy cho phép bản thân kì vọng vào một mối quan hệ lâu dài tiếp theo thậm chí là mối quan hệ thứ 3, thứ 4… cũng vậy. Việc kì vọng hay tin tưởng vào một điều gì đó có tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Vì vậy, đừng để những bóng mây đen vẫn còn chưa tan sau cơn mưa ngăn cản bạn nhìn thấy những ánh sáng tươi đẹp của cuộc sống.

03. Không cần phải chạy theo đám đông.

Khi bắt đầu một mối quan hệ mới, một sự chuẩn bị kĩ về mặt ngoại hình hay “vật chất” là cần thiết. Tuy nhiên, đừng để vật chất hay cụ thể là tiền trở thành một yếu tố thiết yếu trong mối quan hệ của bạn. Những món quà đắt tiền hay những bữa ăn tại nhà hàng sang trọng là cần thiết nhưng nếu nó xuất hiện thường xuyên và trở thành một “thủ tục” cho mỗi buổi hẹn hò hay mỗi dịp đặc biệt thì bạn cần suy xét lại mối quan hệ của mình.

Đừng biến tình cảm thành những giao dịch mua đứt bán đoạn. Hãy đưa vào đó nhiều hơn những quy chuẩn xã hội như viết một bức thư, tự tay làm một chiếc bánh… Bạn sẽ thấy mối quan hệ của mình nhẹ nhàng và sâu sắc hơn rất nhiều. Một mối quan hệ hời hợt sẽ chỉ giúp bạn chạy trốn tạm thời hình bóng của người cũ nhưng một mối quan hệ sâu sắc thì sẽ khác nhiều đấy.

04. Mọi người bị ám ảnh bởi việc có nhiều lựa chọn.

Vào lúc này, bạn chỉ có một con đường để đi và không bị phân tâm vào bất cứ điều gì khác. Điều này sẽ giúp bạn dồn toàn bộ tâm trí vào đó. Nó cũng lí giải vì sao sau khi chia tay, bạn thường có xu hướng tránh gặp mặt người cũ, thậm chí xóa đi tất cả những kỉ niệm của hai người. Điều đó nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn đi sự lựa chọn sẽ quay lại với người đó.

Ngày nay, rất nhiều người trong số chúng ta muốn chứng tỏ sự mạnh mẽ và chín chắn của mình sau khi chia tay bằng cách tỏ ra bình thường với người yêu cũ. Điều này hiển nhiên không sai. Tuy nhiên, sẽ là vô cùng tệ hại khi bạn không đủ mạnh mẽ nhưng vẫn cố tỏ ra như vậy. Bạn không phải một người từng trải cũng không phải gỗ đá vì vậy việc thừa nhận cảm xúc của bản thân và tìm cách vượt qua chúng là cần thiết. Tránh gặp mặt, bỏ đi những lá thư, thậm chí là block Facebook là một điều hoàn toàn bình thường. Dám thừa nhận mình vẫn còn tình cảm và nghiêm khắc với bản thân trong việc xóa bỏ hình ảnh người yêu cũ, đó mới thật sự là bản lĩnh.

KẾT LUẬN

Tuổi trẻ là nơi diễn ra những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Tất cả những ký ức đó sẽ được lưu trữ trong não bộ và sẽ được khơi gợi lại khi bạn nhìn thấy hình bóng của mối tình đầu, khi nghe thấy một giọng nói quen thuộc (đôi khi là một mùi hương hay một sự đụng chạm). Tuy nhiên, đó đều là những hiện tượng tâm lý học, không phải là một hiện tượng sinh học. Đây cũng không phải là một vết hằn trong não ngăn cản sự kết nối với những mối quan hệ vốn một sâu sắc và trưởng thành hơn trong tương lai.

Cuộc đời mỗi người ai cũng có thể vượt qua nỗi đau mất mát, chẳng hạn khi mất đi cha mẹ, người thân thiết nhất đã gắn bó với ta một khoảng thời gian rất dài. Vậy thì không có lí do chúng ta lại không thể vượt qua tình yêu đầu. Cuộc đời thật sự có nhiều niềm vui để tận hưởng chứ đâu chỉ nỗi buồn mãi vì một người. Tình đầu, sẽ đơn giản chỉ là một nụ cười khẽ khi nghĩ về những kỉ niệm đẹp.

Nguồn: Bài Học Cuộc Sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *